Cây mã đề là loại cây cỏ mọc rất phổ biến trên đất nước ta. Có thể nói, cứ chỗ nào có cỏ là có thể tìm thấy mã đề. Chúng có sức sống khá mãnh liệt. Người nông dân nhổ đi chả hết nhưng đối với các chuyên gia về y học cổ truyền mã đề là thần dược của thận. Chúng có tác dụng bồi dưỡng và lọc sạch chất độc cho thận.
Rất dễ để nhận biết cây mã đề bởi chúng có phần thân tương đối ngắn, lá mọc từ gốc được xếp thành hình hoa thị; trên phiến lá có gân dọc sống lưng hình thìa/ hình trứng. Chúng thường mọc thành cụm nhiều cây với nhau. Cũng như lá, phần hoa của cây mã đề cũng mọc phần nách lá, có cuống dài. Quả có chứa nhiều hạt nâu đen bóng, mỗi quã từ 8 đến 20 hạt.
Theo các cuốn sách về Đông y, mã đề có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng lợi tiểu, khử nhiệt, thông mồ hôi. Cho nên chúng thường được sử dụng trong các bài thuốc để điều trị huyết áp cao, sỏi thận, làm sáng mắt, viêm cầu thận, bổ thận, thanh nhiệt, lợi tinh khí, mát gan. Không những thế, mã đề còn có thể chữa ho, thông đờm; trị bệnh táo bón do nhiệt; lá cây mã đề đắp có thể chữa được các bệnh ngoài da, chữa mụn nhọt.
Thông qua các nghiên cứu trong y học hiện đại, người ta tìm thấy trong cây mã đề rất nhiều chất dinh dưỡng. Cụ thể, như chất đạm, vitamin A, C, K, canxi, các chất chống oxy hóa và một số khoáng chất cần thiết khác như apigenin, axit oleanolic, sorbitol, aucubin, baicalein, tanin. Chính vì thế, cây mã đề có thể giúp con người tăng cường thị lực và chống lại ung thư, giúp xương chắc khỏe, bồi bổ hệ thần kinh, giúp chống lại căng thẳng, mệt mỏi; bổ máu và tăng cường sức khoẻ của mạch máu.
Lưu ý khi sử dụng cây mã đề
Lương y Bùi Hồng Minh – Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng để người sử dụng cây mã đề cần lưu ý, kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe. Điển hình như các trường hợp người âm hư, đi tiểu nhiều; người bị suy thận; phụ nữ mang thai ở tam cá nguyệt đầu tiên ( tức là 3 tháng đầu); người thường xuyên đi tiểu đêm không nên sử dụng cây mã đề.
Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng cây mã đề vào buổi tối sẽ gây kích thích bàng quang và đi tiểu đêm.
Một số bài thuốc quý từ cây mã đề
Bài thuốc trị nóng gan: Chuẩn bị các nguyên liệu như: hạt mã đề, hoàng cầm, cúc hoa, hạt muồng muồng, bạch tật lê, long đởm thảo. Đem hỗn hợp trên đi nghiền nát hoặc tán bột. Sau đó, mỗi ngày uống 9g chia làm 2 lần.
Bài thuốc trị tăng huyết áp: Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như: hạt khô thảo, hạt mã đề, cúc hoa, tầm gửi kí sinh trên cây dâu tằm. Đem hỗn hợp trên đi sắc, lấy nước uống hàng ngày.
Bài thuốc trị tiêu chảy: lấy hạt của cây mã đề uống hoặc cho vào cùng cháo, ăn để cầm tiêu chảy hiệu quả.
Bài thuốc trị bệnh đi tiểu ra máu và tiểu buốt: Chuẩn bị một nắm mã đề tươi. Sau đó, thêm gừng, hành và một chút muối nấu canh ăn.
Bài thuốc trị sỏi bàng quang: Chuẩn bị cây mã đề tươi, kim tiền thảo, ngư tinh thảo. Đem hỗn hợp trên đi sắc với nước để uống, chắt lấy nước uống 2 lần/ ngày. Một liệu trình là 5 ngày uống liên tục.
Bài thuốc trị viêm bể thận cấp tính: chuẩn bị cây mã đề, rễ cỏ tranh, cỏ bấc đèn. Đem hỗn hợp này đi sắc với nước, uống mỗi ngày 2 lần. Uống liên tục trong một liệu trình từ 5 – 7 ngày.
Bài thuốc trị viêm cầu thận mãn tính: Chuẩn bị cây mã đề tươi, phục linh, hoàng bá, rễ cỏ tranh, hoàng liên, mộc thông, trư linh, bán hạ chế và hoạt thạch. Đem những loại dược liệu trên đi sắc với nước uống mỗi ngày 1 thang.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Muốn hiệu quả thực sự phải có sự thăm khám của bác sỹ để cân đối liều lượng và kết hợp với các loại dược liệu cho phù hợp. Vì vậy, tuyệt đối không tùy tiện uống thuốc khi chưa được thăm khám.